VIẾT SỚ CHỮ NHO ĐẠO TRUNG
Ngày xưa, Sớ là một loại văn bản thường dùng để trình bày ước vọng của người dân dâng lên các quan mong được đề đạt, ước nguyện được y chuẩn.
Ngày nay, Sớ là được sử dụng để trình bày ước nguyện của người dân dâng lên các Thần, Thánh, Gia Tiên Tổ Cô…. Mong các Chư Thần thù hộ độ trì cho bản thân cùng gia đình được may mắn, tiền tài, tai qua, nạn khỏi.
Sớ thường viết trong các ngày Tết cổ truyền, nếu bạn muốn có một tờ sớ chuẩn hãy theo dõi nội dung dưới đây.
Ngay hiện tại trên Wikipedia cũng chưa có định nghĩa chi tiết và rõ ràng về “Sớ”. Có thể hiểu sớ là một loại văn bản hành chính được dùng trong thời kỳ bộ máy nhà nước phong kiến. Trong khoa nghi của Đạo Giáo cũng như trong Phật Giáo, Sớ được dùng rất rộng rãi và phổ biến, với tư cách là văn thư thành kính dâng lên các Đấng tối cao, là “chiếc cầu” nối giữa cõi hữu hình với thế giới vô hình.
- BIỂU
- TRẠNG
- HỊCH
- ĐIỆP
- DẪN
- PHAN
- BẢNG
- THIẾP
- BÀI VỊ
Gồm 2 thể loại chữ, chữ Hán và chữ Nôm.
Chữ Hán được dùng gần giống chữ Hán phồn thể của Đài Loan hiện tại. Trong một ngàn năm Bắc thuộc, hệ thống chữ viết dân tộc ta ảnh hưởng gần như toàn bộ từ người Hán, đặc biệt dưới thời kỳ nhà Minh.
Chữ Nôm (là đọc chệch đi của chữ Nam, ý chỉ dân tộc ta, những người phía Nam Trung Quốc) bắt đầu xuất hiện khi việc đồng hóa chữ viết gặp khó khăn. Việc viết những tên người, tên địa danh, danh từ mà theo chữ Hán khó có thể diễn đạt được hết âm của người Việt. Chữ Nôm được cấu tạo dựa trên chữ Hán nhưng với nguyên tắc viết bằng cách ghép hai chữ Hán tượng hình lại hoặc một chữ Hán tượng hình với một chữ Hán tượng thanh để biểu đạt ý nghĩa. Vậy nên để hiểu được chữ Nôm, người đọc phải là người có vốn chữ Hán phong phú. Cũng có giả thiết dù chưa có cơ sở rằng, việc phát triển chữ Nôm ở các triều đại Lê, Nguyễn nhằm mục đích tránh không cho người Hán đọc hiểu được các công văn, kinh sử của người Việt.
Hai thể loại chữ này thường được các bậc Nho sỹ dùng xen kẽ và linh hoạt trong việc ghi chép sử sách cũng như thi ca. Có thể nói chữ Hán- Nôm chính là chữ Nho. Chữ Nho được sử dụng phổ biến đến cuối thời kỳ nhà Nguyễn, khi chủ nghĩa thực dân phương Tây bắt đầu xuất hiện và dần dần bị thay thế bởi hệ thống chữ La-tinh chúng ta đang sử dụng hiện nay.
Có thể khẳng định một cách hiển nhiên rằng Sớ trong thời kỳ phong kiến, cũng như kinh sách Phật giáo được truyền từ Trung Hoa qua nước ta được viết bằng chữ Nho. Việc in sớ quốc ngữ trong thời đại ngày nay không gì ngoài mục đích “phổ cập” giáo lý đến đại chúng. Nhưng đi kèm hệ lụy là người viết lá sớ, đọc lên mà không hiểu nội dung của lá sớ viết điều gì. Vì việc dịch lá sớ ra chữ Quốc ngữ chỉ giúp dịch âm tiết mà không biểu đạt được ý nghĩa qua con chữ, làm việc viết sớ trở nên trống rỗng, sáo ngữ.
Đúng rằng ngày nay, việc nhập thông tin chữ quốc ngữ vào máy tính và được trợ giúp bằng phần mềm sẽ giúp người viết sớ tiết kiệm được thời gian, và chữ viết trong sớ cũng “đẹp như chữ in”. Rất nhiều thầy, nhà chùa, nhà đền hiện đang viết sớ theo cách này.
Tôi KHÔNG dùng cách này vì một số lý do cá nhân:
* Trong chữ Nho, việc một chữ mà nhiều nghĩa, một nghĩa mà nhiều chữ là bình thường. Phần mềm viết sớ tính đến thời điểm tôi viết bài viết này chưa thể đáp ứng được một số trường hợp sử dụng từ đúng nghĩa đúng ngữ cảnh.
* Việc sử dụng phần mềm máy tính liên tục, nhãn tiền thì làm người sử dụng thụ động, dần sẽ lười nhớ, quên mặt chữ. Hậu quả lâu dài thì có thể khiến thế hệ các thầy trẻ mất dần chữ “Nhẫn” trong việc cầm bút, cũng như trau dồi sở học.
* Vấn đề về “Thần Lực” trong bút pháp.
* Sử dụng giấy than không thể đảm bảo chữ những tờ sớ phía dưới đẹp và sắc nét.
Trên đây là ý kiến cá nhân, tôi khẳng định sử dụng phần mềm viết chữ không có gì sai và hoan hỷ nếu cách này có thể giúp được nhiều quý thầy có thêm thời gian học tập tinh tấn những vấn đề khác.
Nếu bạn không biết chữ Hán, một số điều quy chuẩn bạn có nhận biết bằng trực quan :
1. Giấy viết sớ.
Giấy viết sớ dù bất kỳ kích thước khuôn khổ cũng phải là tờ giấy vuông vức, nhất định không được rách, nhàu nát hay có vết hoen ố. Giấy sớ phải được đóng dấu ấn triện đỏ ở cuối sớ. Do sớ được viết và đọc từ phải sang trái nên ấn triện nằm cuối cùng bên trái giấy. Ấn triện là dấu đỏ trong các văn bản hành chính nhà nước, và văn bản có hiệu lực khi được đóng dấu đỏ.
2. Bút viết sớ.
Có 2 loại bút là bút mềm và bút cứng. Bút mềm là bút lông với đầu bút gồm nhiều sợi có thể làm từ đuôi ngựa hoặc sợi tổng hợp. Bút cứng là bút có đầu bằng kim loại như bút mực, bút bi nước. Tùy từng người sẽ sử dụng loại bút khác nhau để hành sớ.
Lưu ý rằng không nên hành sớ bằng bút bi nét bé. Nguyên do, bút bi nét bé có thể, nhưng rất khó lấy được nét thanh đậm trong chữ viết, làm lá sớ về mặt thẩm mỹ như lệch lạc, ví như một đoạn văn dùng hai phông (font) chữ vậy.
Tuyệt đối không hành sớ bằng bút chì.
3. Mực viết sớ.
Mực viết sớ thường là mực đen. Một số trường hợp trong đàn cúng, sớ hịch được viết bằng mực đỏ nhằm thể hiện sự hỏa tốc, bức thiết. Vì 100% lá sớ được in sẵn với màu mực đen tuyền, không nên dùng mực xanh hay các màu khác để viết sớ. Ví thử như một văn bản hành chính mà dùng hai màu mực vậy, không hợp lệ.
4. Dòng chữ.
Dù bạn không hiểu và biết về chữ Hán, nhưng bằng trực quan có thể thấy được dòng chữ viết phải thẳng một hàng dọc. Dòng chữ không được lệch hay xiên xẹo sang hai bên.
5. Giấy than.
Việc dùng giấy than giúp thuận tiện, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như công sức người viết. Sử dụng giấy than phổ biến đến độ nhiều người mặc định rằng viết sớ thì sẽ dùng giấy than. Việc dùng giấy than chắc chắn không đảm bảo được nét thanh đậm và sắc độ trong chữ viết ở các tờ giấy phía dưới. Sử dụng giấy than theo tôi là sự tùy tiện, cẩu thả trong việc hành sớ. Giấy than là sản phẩm tiện lợi của thời hiện đại nhưng không đảm bảo được tiêu chuẩn cơ bản chữ viết của một lá sớ.
Các bạn đừng hiểu sai về việc hành sớ mà hãy yêu cầu các thầy viết bằng tay trên từng lá sớ. Dành thêm một vài phút chăm chút cho đồ lễ dâng lên, âu cũng là việc nên làm của người đi lễ.
6. Hòm sớ, vỏ sớ (bao sớ).
Cũng như giấy viết sớ, vỏ sớ cần sạch sẽ, phẳng phiu. Màu hòm sớ, vỏ sớ tùy thuộc vào sở thích và quan niệm mỗi người chứ gần như không phụ thuộc vào quy chuẩn nào cả.
Khi phát sinh một số việc như động thổ, cất nóc nhà mới, khai trương cửa hàng, di chuyển văn phòng, bốc bát hương, việc hiếu lễ trong gia đình…những việc trọng đại như vậy thì nên mời nhà sư, pháp sư, thầy cúng- những người học hành bài bản và có chuyên môn.
Chí ít, nguyên do hoàn cảnh bất tiện, cũng nên dâng hương, hoa, vàng, tiền, sớ, trạng để tự khấn lễ.