“Chùa Ba Vàng“, “Phạm Thị Yến” là một trong những từ được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội những ngày gần đây. Đi theo đó là vô số những bài báo, clip với chủ ý “vạch trần” việc “vong báo oán” của cô Yến. Hầu hết tất cả chúng ta khi được biết, được nghe, được đọc, đều có cái nhìn không thiện cảm về người phụ nữ này. Chúng ta dùng những lời lẽ thô tục, miệt thị, cho rằng cô Yến là lừa đảo, là mê tín dị đoan. Nhưng liệu rằng chúng ta có nên dành chút ít thời gian ngắn ngủi để nhìn sự việc ở một khoảng cách xa hơn cái khoảng cách mà công luận đang định hướng cho chúng ta?
Ở đây tôi xin nhấn mạnh, tôi không quen cô Yến và cũng chưa từng tìm hiểu về những bài giảng pháp của cô trước đây. Những gì bạn đọc chỉ là cách để bạn lùi lại vài bước để nhìn sự việc tổng thể hơn.
Trước tiên, nếu đã đi Chùa, dù ít dù nhiều chúng ta cũng có niềm tin nơi Phật pháp, có niềm tin về một thế giới siêu hình tồn tại. Nơi đó có Phật, là đấng giác ngộ, nguyện phổ độ chúng sinh trong trầm luân bể khổ. Chúng ta ngẫm thử…, tạo hóa luôn hình thành những hình thái, hình tướng đối lập như ngày đêm, nóng lạnh, âm dương, sinh tử, trắng đen…
Vậy thế giới đó cũng sẽ tồn tại những hình thái đối lập với sự an nhiên tự tại của Phật. Đó là sự tham lam, khổ đau, sân hận. Đó là con đường Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh. Chúng ta tin có Phật, sao chúng ta lại không tin có vong? Tôi không có ý đồng tình về từng trường hợp cô Yến nói vong về báo oán người này người kia. Cô có thể nhìn được, có thể không. Đó là nhân quả thiện lành hoặc nghiệp bất thiện cô tự gieo. Tôi muốn nói rằng: Có việc tồn tại một dạng thể thức tinh thần của con người sau khi mất đi, mà chúng ta quen gọi là “vong” hay “ma”.
Chúng ta đi đám ma, đi tạ mộ, làm giỗ, thờ cúng tổ tiên ông bà, làm lễ thí thực cúng cháo cô hồn…, đó là chúng ta đang “giao tiếp” với vong.
Thứ là, bằng vốn kiến thức ít ỏi và nhỏ nhoi của mình trong quá trình tu học, tôi hiểu rằng cô Phạm Thị Yến đang chịu ảnh hưởng trường phái Phật học Nam tông (hay còn gọi là tiểu thừa).Còn chúng ta đa số chịu ảnh hưởng trường phái Phật học Bắc tông ( đại thừa). Vì việc nói về các trường phái Phật học ảnh hưởng đến nước ta ở trong bài viết này là quá dài và ko cần thiết, nên tôi tạm thời bỏ qua. Chúng ta chỉ cần hiểu rằng, cô Yến có niềm tin tín ngưỡng của cô. Mà đã là niềm tin tín ngưỡng thì không nên chấp đúng chấp sai. Ví như đạo Phật không nói đạo Chúa sai, không nói đạo Hồi chưa đúng.
Cô Yến chấp đúng sai về đạo Mẫu, việc cô có hay không lợi dụng Phật pháp để tư lợi cá nhân, đó là nhân quả cô Phạm Thị Yến tự chịu. Chúng ta chấp đúng sai về bài giải pháp của cô, đó là nhân quả chúng ta chịu. Tôn trọng niềm tin tự do tín ngưỡng của người khác là điều nên làm ở đây, bài giảng pháp của cô Yến nói chưa chắc đúng mà cũng không chắc sai.
Thứ cuối, nếu chúng ta có đủ thông tuệ để nhìn nhận rằng, người phụ nữ này chỉ là chủ nhiệm một câu lạc bộ tu tập trong Chùa Ba Vàng nhưng lại có một sức ảnh hưởng lớn để được thuyết pháp trước hàng trăm ngàn người, có trang web riêng với hàng chục video giảng pháp, tạo điều kiện cho trả nợ vong bằng chuyển khoản hay làm công quả cho Chùa Ba Vàng…Thì có chăng khi sự việc vỡ lở, cô chỉ là nước tốt thí trước búa rìu dư luận của một hệ thống phía sau? Liệu có chăng…?
Nghĩ đến vậy, chúng ta thấy cô đáng thương hay đáng trách?
Thời gian rồi sẽ qua, dư luận rồi sẽ lắng xuống, rồi cũng chẳng còn ai nhớ đến cô Yến. Nhưng sẽ để trong tâm tưởng những người đi lễ chùa một khoảng trống nơi Phật pháp.