Cho người tìm hiểu về Đạo

Khoa phạm Công Văn trong Phật Giáo Việt Nam

   Khoa phạm công văn trong Phật Giáo Việt Nam là những cách thức mẫu mực giấy tờ dùng để biểu bạch lên Tam Bảo, hoặc trình bày lên bậc Tiên Thánh, Thần Linh, Vong Hồn…trong pháp giới Thập Đạo. Mục đích giúp cho Trai Chủ hay Tín Chủ tóm tắt những lời phát nguyện tu hành cùng những ước nguyện, những lời sám hối tội khiên nhằm vun trồng cây công đức.

   Những loại văn bản sau đây hiện đang còn áp dụng: Sớ, Biểu, Trạng, Hịch, Điệp, Dẫn, Phan, Bảng, Thiếp, Bài Vị…

1. SỚ (SỚ VĂN, VĂN SỚ, TẤU SỚ).

   Là văn thư của quần thần dâng lên bậc trên như Đức Vua. Trong khoa nghi của Đạo Giáo cũng như Phật Giáo, Sớ văn được dùng rất rộng rãi và phổ biến, với tư cách là văn thư thánh kính dâng lên đấng tối linh, chí tôn như Chư Phật, Chư Thần, Chư Thánh; là chiếc cầu nối giữa cõi hữu hình với thế giới vô hình. Đặc biệt có một loại sớ văn gọi là Pháp Đường Sớ được dùng trong Thiền Môn, là văn từ của Vị Trưởng Lão Trú Trì của một tự viện nào đó dùng để khai đường thuyết pháp.

2. BIỂU.

   Là loại tấu chương thời xưa được quần thần dùng đểr trình cấp lên Đế vương, như “Xuất Sư Biểu” của Gia Cát Lượng nhà Thục Hán thời Tam Quốc, “Trần Tình Biểu” của Lý Mật.

3. TRẠNG.

   Là bản văn giải bày sự thật trình lên Chư vị Thần, Thánh. Theo tục lệ của Đạo Giáo Trung Quốc, chỉ dùng để đốt đi, không dùng tuyên đọc. Tuy nhiên hiện tại ở Việt Nam, các bức Trạng vẫn được dùng để tuyên đọc rồi mới đem đốt. Bản văn dùng để trần tình những oan khuất của người mất lên Thiên Đình hay Địa Phủ được gọi là “Cáo Âm Trạng”. Trong Đạo Giáo, tuy theo đăng cấp của Chư vị Thân Linh cao thấp mà phân thành 3 loại Trạng: Tấu Trạng, Thân Trạng và Điệp Trạng. 

TẤU TRẠNG được dùng cho Chư Thần như Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Tử Vi Đại Đế, Đông Cực Thái Ất, Cực Trường Sinh Đại Đế, Hậu Thổ Hoàng Địa Kỳ, Thập Phương Linh Bảo Thiên Tôn, Ngũ Linh Ngũ Lão Ngũ Đế Thiên Quân…

THÂN TRẠNG được dùng cho chư vị đẳng cấp thấp hơn như Linh Bảo Tam Sư, Tam Quan, Nhật Cung Thái Dương Đế Quân, Nguyệt Cung Thái Âm Đế Quân, Ngũ Tinh Tứ Diệu Ngũ Đẩu, Nam Đẩu Lục Ty Tinh Quân, Bắc Đẩu Cửu Thiên Tinh Hoàng Quân, Thái Tuế Tôn Thần…

ĐIỆP TRẠNG được dùng cho chư vị Thần cấp dưới nữa như Châu Thành Hoàng, Huyện Thành Hoàng, Cửu Châu Xã Lịnh, Thập Phương Đạo Đô Chúa Giả, Thổ Địa Lý Thành Chân Quan, Tam Giới Trực Phù Thần Hổ Sứ Giả…

   Một số Trạng được dùng trong Công Văn Đàn Tràng của Phật Giáo Việt Nam như Trạng Lễ Đảo Bệnh, Trạng Tống Mộc, Trạng Lễ Tạ Thổ, Trạng Lễ Phù Sứ…

4. HỊCH.

   Là văn thư xưa kia cấp trên dùng để kêu gọi, triệu tập, hiểu dụ cấp dưới. Trong Công Văn Đàn Tràng của Phật Giáo Việt Nam có một số loại Hịch như Hịch Thủy Văn (dùng khi cúng dưới nước khai mở bạt độ trầm luân), Phát Thành Hoàng Thổ Địa Hịch (dùng khi hịch cáo Thành Hoàng Thổ Địa), Khai Tịch Hịch (dùng khi khai khẩn đất đai), Chiêu Sơn Thủy Hịch (dùng khi hịch cáo thần sông nước) …

5. ĐIỆP

   Là loại văn thư của quan phủ, hay nói đúng hơn là bức văn chuyển giao của cấp trên, là cái Trát hay tờ trình. Trong Công Văn Đàn Tràng của Phật Giáo Việt Nam, Điệp là loại văn thư không kém phần quan trọng dâng lên Chư Thần Linh, hay là văn thư chuyển giao giữa Thần với Thần. Trong nghi lễ có khá nhiều loại Điệp được dùng đến như Điệp Lễ Cầu Siêu, Điệp Cúng Cô Hồn, Điệp Cấp Phóng Sinh, Điệp Cấp Tụng Thủy Sám, Điệp Thăng Kiều Giải Oan Bạt Độ, Điệp Cúng Trai Tuần…

6. DẪN.

   Là một thể văn được hình thành vào thời nhà Đường, như “Dẫn Thủy Sám Bát Tiên”.

7. PHAN (PHƯỚN).

   Là một loại cờ dài hẹp, treo rủ thẳng xuống có ghi nội dung tùy theo mục đích buổi lễ. Trong Phật Giáo, loại này thường được dùng với nhiều ý nghĩa, mục đích và tên gọi khác nhau.

BẠCH PHAN hay DẪN LỘ PHAN là loại phướn dài, hẹp, màu trắng, được dùng bài trí trước linh cữu trong đám tang. Với ý nghĩa là để dẫn dắt linh hồn người quá cố. Trên đó ghi tên, quê quán, pháp danh…những thông tin liên quan đến người quá cố. Một số nơi, loại này có màu đỏ được gọi là “Lá Triệu”.

TRÀNG PHAN được xem như một loại pháp khí, rất thông dụng trong các pháp đàn của Phật Giáo lẫn Đạo Giáo, dùng để cáo Thiên Địa, mời gọi Chư Thần Linh. TRÀNG trên đầu thường có long che, cầm với cây cán còn PHAN thì không có lọng che, cầm trực tiếp bằng tay.

BẠCH HỔ PHAN là lá phướn trên có trang trí hình ông hổ trắng, dùng để truyền tin chiếu lệnh.

PHAN CÁI là một loại tràng phan trên có long che, dùng để trang trí tại nơi tôn nghiêm như Chùa Chiền, Đền Điện.

8. BẢNG. 

   Trong nghi thức trai đàn cuat Phật Giáo cũng như Đạo Giáo, đây là loại văn thư dùng để niêm yết, với ý nghĩa thông báo trước cho mọi người biết về trình tự pháp sự, chi tiết hành lễ, thành phần tham dự, trình tự khoa nghi, chức vị của chư vị trong đàn tràng… Loại này vẫn được dùng rất phổ biến để niêm yết, thông tri các tin tức.

9. THIẾP.

   Là loại danh thiếp dùng để đáp lễ qua lại trong ứng xử hàng ngày. Trong Công Văn Đàn Tràng, một số Thiếp được dùng như Tịnh Trù Thiếp, Cấp Thủy Thiếp, Tứ Sinh Lục Đạo Thiếp, Tam Bảo Thiếp… Có một số loại Thiếp thông dụng như:

BÁO THIẾP là loại thiệp dùng để thông báo.

THỈNH THIẾP là thiệp dùng để cung thỉnh hay mời ai đó đến tham dự buổi lễ, yến tiệc.

BÁT TỰ THIẾP là thiệp xưa kia khi bàn chuyện hôn nhân, cá hai nhà gái và trai đều dùng tấm thiệp 8 chữ ghi ngày giờ tháng năm sinh trao đổi qua lại để xem thử có xung khắc hay tương hợp.

BÁI THIẾP là tấm thiệp hồi xưa dùng để thông báo sẽ đến thăm ai đó.

BÁO TANG THIẾP là tấm thiệp dùng trong tang lễ ngày xưa để thông báo cho bà con, thân hữu biết có người đã từ trần, khác với bản Cáo Phó.

BẢNG THIẾP là tấm cáo thị để chiêu dụ bá tánh, hay là bảng niêm yết danh tính của các thí sinh thi đỗ.

10. BÀI VỊ. 

   Là tấm bảng bằng gỗ hoặc giấy f ncó ghi tên tuổi, chức vị, pháp danh…các thông tin liên quan đến người đã quá cố để cúng tế. Nguồn gốc phát xuất của Bài Vị vốn là sự tập hợp tập tục cổ xưa cho rằng Bài Vị là nơi nương tựa của vong linh, với tín ngưỡng của Phật Giáo.

 

-Sớ Điệp Công Văn-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *